Mở rộng diện tích lúa chất lượng vụ xuân

Thời điểm này, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung nhân lực gieo cấy hết diện tích. Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điểm mới nhất của vụ xuân năm nay là diện tích lúa chất lượng không ngừng được mở rộng.

Người dân thôn Đồng Bèn 2, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) chuyển mạ, cấy lúa xuân.

Trên cánh đồng các xã Kim Phú (TP Tuyên Quang); Hoàng Khai, Trung Môn, Chân Sơn (Yên Sơn); Thượng Ấm, Cấp Tiến, Tân Trào (Sơn Dương)... lúa chất lượng chiếm phần lớn diện tích lúa xuân vừa gieo cấy. Đồng chí Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, thống kê sơ bộ đã có trên 300 ha lúa xuân mới cấy là giống chất lượng cao gồm: Bắc Thơm số 7, Đài thơm số 8, Bắc Hương số 9, nhóm Japonica...

Gia đình chị Hoàng Thị Liên, xóm 13, xã Kim Phú gieo cấy xong 3 sào lúa giống J02 từ trong Tết Nguyên đán. J02 là giống lúa chất lượng cao thuộc nhóm Japonica của Nhật. Chị Liên cho biết, 3 năm gieo cấy lúa chất lượng chị đã có nhiều kinh nghiệm trong canh tác, trước tiên làm kỹ đất, tăng lượng phân chuồng, gieo cấy trong khung thời vụ. Hiện diện tích lúa mới cấy của gia đình đang bén rễ, hồi xanh, dự báo sẽ phát triển tốt.

Tại các xã vốn chỉ quen canh tác các giống lúa thông thường, vụ xuân này cũng chuyển hướng sang gieo cấy các giống lúa có giá trị kinh tế cao. Nhiều nông dân cho rằng, gieo cấy lúa chất lượng đảm bảo 2 mục tiêu, giữ ổn định lương thực và gia tăng thu nhập. Gia đình ông Phạm Văn Hạnh, thôn Yên Quang, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) không gieo cấy các giống lúa thông thường như mọi năm mà thay bằng giống lúa VNR20. Ông Hạnh chia sẻ, vụ trước có hộ trong thôn gieo cấy lúa VNR20 lúa phát triển khỏe mạnh, cứng cây, thích nghi với hiện tượng thời tiết bất thuận, chắc bông, đặc biệt là gạo ngon, được giá nên vụ này ông học và làm theo. Ông Hạnh tính, gạo VNR20 có giá 15.000 đồng/kg, cao hơn gạo thông thường 3.000 đồng/kg như hiện nay, ông đã có thêm thu nhập từ sản xuất lúa gạo rồi.

Theo kế hoạch vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo cấy trên 18.000 ha lúa, nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, ngành Nông nghiệp xây dựng cơ cấu giống, trong đó tập trung vào các giống lúa chất lượng Bắc thơm 7, TBR225, Đài thơm số 8, Bắc Hương số 9 và nhóm Japonica. Đây là các giống lúa đã được khảo nghiệm đánh giá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác, đặc biệt đáp ứng nhu cầu nguồn lương thực chất lượng của người dân.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, tính đến hết tháng 1, đã có trên 10.000 ha lúa xuân được gieo cấy, trong đó khoảng 6.000 ha lúa chất lượng, dự tính sẽ có thêm khoảng 3.000 ha lúa chất lượng sẽ được xuống giống, chiếm khoảng 45 - 50% tổng diện tích lúa vụ xuân năm nay. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy bà con nông dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất từ năng suất sang chất lượng, có giá trị, đặc biệt là bền vững. Ông Tuyên nhấn mạnh, đặc tính của các giống lúa chất lượng rất mẫn cảm với sâu, bệnh hại. Do đó để đảm bảo sản xuất thắng lợi, bà con nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác: Làm kỹ đất trước khi gieo cấy, tăng lượng phân bón hữu cơ; theo dõi sát quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa trong từng giai đoạn để chủ động phòng, trừ sâu, bệnh hại.

Phản ánh từ các cán bộ khuyến nông, dù mới xuống giống được thời gian ngắn, song diện tích lúa xuân, đặc biệt là đối với diện tích lúa chất lượng đang bén rễ, hồi xanh, không ghi nhận lúa non bị chết do thời tiết, sâu, bệnh hại. Để đảm bảo cho lúa non sinh trưởng phát triển tốt, ngành Nông nghiệp khuyến cáo, bà con giữ đủ mực nước tưới dưỡng; tỉa thưa đối với những chòm lúa gieo dày, dặm những khoảng lúa bị chết để đảm bảo mật độ. Trước mắt, thực hiện làm đất, gieo cấy hết diện tích, tuyệt đối không để diện tích đất trống, chuyển đổi những diện tích đất lúa khó khăn về nguồn nước chuyển sang trồng các loại cây màu, có giá trị kinh tế; chủ động nguồn mạ, lúa giống dự phòng đề phòng rét đậm, rét hại gây chết lúa phải gieo cấy lại.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục